Võ Thuật HOÀNG GIA là sự kết tinh từ bộ môn võ cổ truyền của Việt Nam kết hợp với các tinh hoa võ học Quốc Tế - Giúp con người đạt đến Chân - Thiện - Mỹ trong võ học. Liên Hệ Hotline Để Được Hỗ Trợ:0902641618

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Lên núi luyện công – thiên đường là có thật

Có một mô-típ thú vị rằng những bậc cao thủ võ công thượng thừa trong truyện kiếm hiệp đều tu tập công phu ở những nơi hoang sơ vắng vẻ, một nơi chắc chắn rằng rất đẹp – đối với những người yêu sự yên bình và cảnh thiên nhiên. Phải chăng, cái việc “lên núi” cũng là một phần của sự thành công trong võ thuật?
Tất cả chỉ là những trải nghiệm và chia sẻ của người yêu võ, “đi” võ, và “chơi” võ. Trên hành trình đó, tôi cũng từng “lên núi luyện công”, cũng từng nhận thấy nhiều điều thú vị mà tôi tin rằng bất cứ ai trong chúng ta cũng một lần nên thử.
Chungju, miền đại ngàn được người Hàn mệnh danh là “thánh địa” của võ thuât truyền thống.
Vùng núi đó là Chungju, Hàn Quốc – thánh địa của những tinh hoa đầu tiên thuộc về võ thuật truyền thống xứ sở nhân sâm. Gần nửa năm gắn bó với vùng núi này và Tổ đường Taekkyeon – môn võ lâu đời nhất của người Hàn (5000 năm lịch sử), tôi trải qua đủ mọi hương vị của vùng cao nguyên hẻo lánh cùng những người đồng đội cũng đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nay cùng tề tựu về chung một chương trình nghiên cứu võ thuật.
Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện này với một cái cây bên hàng rào Tổ đường. Tôi không biết chính xác đó là cây và quả gì, nhưng chúng tôi thường tiện tay “ghé” vài quả trước khi về, nhấm nháp cái vị ngọt đó trên đường về trọ. Đội chúng tôi có những người chị ba mươi, bốn mươi tuổi nhưng vẫn cùng chia sẻ khoảnh khắc tinh nghịch đó. Mãi đến ngày chia tay nhau ở sân bay để về lại quê hương, chúng tôi vẫn nhắc: “Hẹn ngày quay lại, lại hái trộm cái cây đó”.
Cái cây đầy quả ngọt này là nơi chúng tôi bắt đầu nhận ra điểm chung của nhau: sự tinh nghịch và sảng khoái của người võ.
Chungju là thiên đường đối với người như tôi, một người thích yên bình và lối sống chầm chậm. Thực ra, chúng tôi khá bận rộn với lịch tập ở Tổ đường cũng như công tác cùng Hiệp hội Võ thuật thế giới (cũng có trụ sở tại Chungju). Dẫu vậy, chúng tôi vẫn có nhiều thời gian để khám phá nơi này.
Đối với nhiều người, một phòng tập với đầy đủ trang thiết bị là quá đủ cho niềm đam mê võ thuật. Tôi cũng vậy, cũng từng lớn lên với những phòng tập tồi tàn mà không thấy thiếu thốn. Những ngày ở Tổ đường Taekkyeon, tôi cùng đồng đội cũng lăn lê nằm ngủ trên những tấm thảm, có khi rúc hẳn vào đống đệm chất cuối phòng để tránh cái hơi lạnh âm vài độ của trời đầu đông Hàn Quốc. Nhưng ở đây, tôi nhận ra một điều to lớn hơn vậy. Không gian tinh thần và vật chất của một con người võ đôi khi có thể thu hẹp đến mức chỉ cần vài ô gạch để tập shadow boxing, cũng có thể mở rộng đến vô hạn.
Tổ đường Taekkyeon Chungju – Hàn Quốc.
Trên những đồi cỏ rộng không không biết lối về của công viên xung quanh Viện bảo tàng võ thuật thế giới, tôi và đồng đội đã bắt đầu thuộc dần bài quyền đầu tiên của Taekkyeon. Dọc theo khúc thượng nguồn sông Hán (vâng, con sông chảy qua Seoul trước khi đổ ra biển mà chúng ta vẫn gọi nhầm là “sông Hàn”), tôi bị các thầy của Học viện bắt chạy bộ đến rã rời đôi chân. Những đường vòng núi Gyemyeong – ngọn núi cao nhất thành phố trở thành một phần kỷ niệm của những ngày Chủ nhật. Cái thềm đất trước sân tổ đường là nơi chúng tôi vật nhau đến khi quần áo ướt đẫm mùi lá cỏ, rồi mệt lử người ngồi nhìn mặt trời lặn xuống hồ Hoamji. Cũng có những hôm chúng tôi ngẫu hứng kết thúc buổi học sớm hơn, cùng nhau tản bộ dưới bờ hồ thơ mộng đó.
Chơi bóng cùng những người đồng nghiệp đến từ nhiều nơi trên thế giới, và đương nhiên không thể thiếu những người Hàn – “chủ nhà” nơi đây.
Hồ Hoamji – một trong những nơi bạn phải đến nếu có dịp thăm Chungju.
Chungju làm tôi phần nào đó nhớ đến những ngày có duyên được đến Thái Lan và xem cách người Thái tập Muay. Phòng tập của họ thường nằm giữa những vườn cây, xung quanh là gà qué và những hàng chuối. Họ bước ra khỏi thảm và đùa với nhau như những người nông dân, chốc chốc lại ý ới trêu đùa những cô gái đi ngang con đường trước phòng tập hoặc vẫy gọi xe đồ ăn vặt. Những ngày ở Tổ đường, tôi được các huynh trưởng dạy một trong những điều mà lẽ ra tôi phải học đầu tiên trong võ thuật: Một người võ là một người đặc biệt, nhưng cũng là một người bình thường phải biết hòa nhập với đời thường. Xung quanh Tổ đường là sân bóng đá, bóng rổ, những cái tiểu đình được dựng nên để người tản bộ nghỉ chân. Tại đó, chúng tôi cùng bọn trẻ con và thanh niên Hàn chơi bóng, đôi lúc ngồi nghỉ trên những băng ghế và dùng cái thứ tiếng Hàn vụng về mới học được để bắt chuyện với những người đi thả diều. Có khi, chúng tôi kéo cả bọn xuống bờ hồ Hoamji để vùi chân dưới bãi hạt gốm vốn để người cao tuổi massage chân. Những cụ ông bà lão Hàn chỉ nhìn chúng tôi và cười. Họ không biết tiếng Anh, nhưng tôi biết họ sẵn lòng để chúng tôi tham gia. Những ngày mệt mỏi, tôi thích nằm yên trên cái cầu phao ở hồ đập Chungju, cứ thế để sóng lắc lư và nhìn đội tuyển chèo thuyền Hàn Quốc tập luyện. Thấy tôi mặc đồ Taekkyeon – môn võ đã trở thành niềm tự hào của người Chungju, họ luôn vẫy tay chào.
Những cụ ông, bà lão Hàn luôn vui vẻ khi chúng tôi tới “quậy” bãi hạt gốm của họ.
Chẳng cần phải đóng phim hay làm những thước trailer gì cả, chúng tôi tập dưới khung cảnh này gần như hằng ngày, nơi chúng tôi vật nhau tren bãi cỏ và dưới ánh nắng chiều cao nguyên.
Dần dần, tôi nhận ra một điều rằng chúng ta – dù là người võ hay không – đều có một sự kết nối nhất định với thế giới xung quanh. Sự kết nối đó lớn hay không tùy thuộc vào chúng ta có mở lòng hoặc chú tâm vào nó hay không. Giờ đây, tôi phải thừa nhận rằng tôi nhớ Chungju khủng khiếp. Tôi nhớ những anh em Tổ đường, nhớ những tháng ngày ở đó. Nhưng, bình tâm lại, tôi nghiệm ra một điều công bằng rằng mối tình cảm đặc biệt tôi dành cho Chungju một phần là do sự kết nối giữa tôi và những kỷ niệm cảnh vật nơi đó. Mối liên kết đó giữ tôi lại với Chungju, với Taekkyeon, với sứ mệnh phát triển bộ môn mà Tổ đường đã trao lên vai tôi.
Một góc của Viện bảo tàng võ thuật thế giới tại Chungju, Hàn Quốc. Những ngày rảnh rỗi, tôi thường dành nhiều phút đứng trầm ngâm trước những khung kính thế này.
Nếu đó là một mảnh đất nhàm chán, hoặc tôi sống những tháng ngày nhàm chán, có lẽ tôi đã rời Chungju không một chút vương vấn. Nếu tôi đến Tổ đường học rồi trở về giữa dòng xe tấp nập, vùi đầu vào chăn để tránh cái lạnh xứ Hàn liên tục ngày này sang ngày khác, có lẽ Taekkyeon đối với tôi chỉ là một thứ gì đó tôi từng học, và tôi có thể bỏ nó lại trong ký ức bất cứ lúc nào. Nhưng với tôi, nó đặc biệt. Nó đặc biệt vì gắn kết với những kỷ niệm đặc biệt.
Tập luyện Taekkyeon trên những đồi cỏ bất tận là sở thích bình thường của mọi người ở Tổ đường.
Tôi tiếp tục đi nhiều nơi, gặp nhiều người và nghe kể nhiều việc. Tôi nghe kể về những võ sĩ bắt đầu bước vào sự nghiệp chỉ vì sự yêu mến cá nhân với một người thầy. Tôi nghe kể về những người khác gắn bó hàng chục năm với bộ môn chỉ vì những người thầy, người huynh đệ họ đã cùng tập luyện. Có người đi cả vòng trái đất rồi cũng trở về quê nhà, mang tất cả những gì mình đã học trở về đó mà làm lại sự nghiệp, giảng dạy và phát triển võ thuật nơi họ đã sinh ra. Tôi càng vững lòng với một suy nghĩ của chính bản thân rằng chúng ta – những người võ – luôn có sự kết nối đặc biệt với một thứ gì đó, nơi nào đó, người nào đó. Sự kết nối đó dù đi hay ở vẫn sẽ tồn tại, và khiến chúng ta luôn biết nơi đâu để hướng về.
Xunh quanh Tổ đường Taekkyeon là một công viên rộng, sân bóng và nhiều tiểu đình như thế này để nghỉ chân. Chính quyền Thành phố Chungju cố tình làm thế này để tạo sự kết nối giữa người dân thành phố với các hoạt động võ thuật của Tổ đường, và chính sách đó rõ ràng đã thành công.
Tôi đã rất buồn khi không thể tham dự Đại hội Taekkyeon toàn thế giới năm nay vì lý do công việc. Nhưng tôi cũng rất vui khi biết tháng sau tôi sẽ có việc phải quay lại đó, sẽ về lại quỳ lạy trước di ảnh tổ sư cùng các thầy và huynh trưởng, sẽ ngồi cùng họ bên cốc bia Hàn và kể về những người Việt đầu tiên học Taekkyeon. Tất cả câu chuyện bắt đầu – nay lại được tiếp tục tại một vùng núi vốn được người ta xây dựng với ý tưởng trở thành “thiên đường” của môn sinh Taekkyeon toàn thế giới.
Thực ra câu chuyện này phần nhiều mang tính chất cá nhân, vì đi và sống ở Chungju không phải điều dễ nếu chúng ta thẳng thắn nhìn vào các yếu tố điều kiện vật chất cần có. Đây là những lời kể của cá nhân, về một chốn riêng thực sự – một chốn riêng với những thứ ăn khớp hoàn hảo với tâm hồn người viết ra những dòng này. Dẫu vậy, tôi tin rằng mỗi người chúng ta đều sẽ có lúc tìm ra một chốn riêng như vậy, nơi chúng ta không chỉ đơn thuần luyện võ mà còn thực sự có được nơi gửi gắm tâm hồn và sở thích, nơi chúng ta có sự kết nối đặc biệt với đời thường, với xã hội. Điều đó cũng tựa như thầy Lê Văn Luyện – bậc truyền nhân đầu tiên của Judo Việt Nam mấy mươi năm nay yên bình ở Đà Lạt, những bậc thầy võ cổ truyền cả đời gắn bó với đất Thuận Truyền, An Vinh tỉnh Bình Định, hay như Trương Đình Hoàng – tay đấm mới cách đây 2 năm đem về HCV cho làng Boxing Việt nay lại tìm thấy bước tiếp theo của sự nghiệp ở quê nhà Tây Nguyên vậy.

 Theo Võ Thuật

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618