Võ Thuật HOÀNG GIA là sự kết tinh từ bộ môn võ cổ truyền của Việt Nam kết hợp với các tinh hoa võ học Quốc Tế - Giúp con người đạt đến Chân - Thiện - Mỹ trong võ học. Liên Hệ Hotline Để Được Hỗ Trợ:0902641618

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

PHÁT HUY GIÁ TRỊ VÕ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Võ cổ truyền Việt Nam có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, gắn liền công cuộc dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc. Lịch sử trận mạc mãi mãi ghi danh võ công hiển hách của tiền nhân trước những thế lực xâm lăng, góp phần hun đúc lòng yêu nước cùng cốt cách văn hóa và những giá trị đạo lý của con người Việt Nam. Cũng vì thế, ông cha ta thường nói, dạy võ và học võ cũng chính là dạy và học đạo lý làm người.
Ngày nay, võ cổ truyền trở thành một di sản văn hóa truyền thống độc đáo, thuần khiết của dân tộc, là tinh hoa của văn hóa và trí tuệ Việt được chọn lọc qua môi trường đào thải khắc nghiệt của hoàn cảnh và sự thăng trầm lịch sử, thể hiện đầy đủ nhất tinh thần thượng võ, nghĩa hiệp của người Việt. Mỗi khi đất nước đứng trước thử thách, khó khăn, tinh thần ấy lại tỏa sáng, hòa quyện cùng lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh, quên mình vì Tổ quốc.
Theo năm tháng, võ cổ truyền Việt Nam phát triển với nhiều môn phái, võ đường, đông đảo võ sinh tham gia tập luyện và ngày càng lan tỏa khắp các vùng, miền đất nước, đồng thời mở rộng sang nhiều nước trên thế giới. Sự thu hút của võ cổ truyền Việt Nam với số lượng người theo học đông không chỉ bởi họ tìm thấy ở đó một loại hình thể thao chiến đấu, rèn luyện sức khỏe hiệu quả, mà còn thấy những giá trị triết lý nhân văn sâu sắc, giáo dục con người hướng về nguồn cội và ăm ắp tình người, tình thầy trò.
Sức ảnh hưởng cùng sự phát triển là điều kiện tiên quyết cho sự ra đời của Liên đoàn Thế giới võ cổ truyền Việt Nam vào cuối năm 2015 cùng Giải vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam lần đầu vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 26 đến 29-7 với sự tham gia của 250 võ sĩ của 50 đoàn võ thuật đến từ 30 nước của năm châu lục và 26 đoàn trong nước.
Đây là mốc son hội nhập, giới thiệu nền võ học cổ truyền Việt Nam đậm đà bản sắc đến với bạn bè các nước; thể hiện sự đồng thuận và chuyên nghiệp trong định hướng xây dựng một ngôi nhà chung của những người yêu thích môn võ trên toàn thế giới, khẳng định sự lan tỏa, phát triển mạnh mẽ của võ cổ truyền nước ta với thế giới. Có thể nói, việc thành lập Liên đoàn và tổ chức giải thế giới đã góp phần quảng bá và xây dựng hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam để bạn bè thế giới thêm hiểu về một dân tộc yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa, nhưng cũng vô cùng kiên cường, bất khuất.
Võ cổ truyền Việt Nam đã và đang có sức hấp dẫn, lan tỏa mạnh mẽ, song con đường phát triển phía trước còn nhiều trở ngại, khó khăn trong việc quảng bá, phổ cập đến người học. Ngay cả việc phối hợp ngành giáo dục đưa võ học Việt Nam vào giảng dạy ở các cấp học phổ thông, đại học cũng còn nhiều hạn chế, trong khi nhiều nơi đã và đang khuyến khích, tạo điều kiện cho các môn võ du nhập từ nước ngoài, thậm chí cả những môn võ nặng về tính chiến đấu, không chú trọng dạy người, tức là dạy về những giá trị đạo đức căn bản của “con nhà võ”, như tính khiêm nhường, tinh thần thượng võ, nghĩa hiệp.
Bên cạnh đó, các ngành thể thao, giáo dục và các liên đoàn cũng chưa chú trọng nghiên cứu, xây dựng một cách bài bản, đầy đủ, có hệ thống các giáo trình, giáo lý, trong đó phân tích kỹ lưỡng về các giai đoạn, sự hưng thịnh và phát triển của các xu hướng, trường phái võ học Việt Nam. Phần lớn các công trình hiện tại về võ thuật vẫn dựa vào thành quả nghiên cứu ít ỏi và các tài liệu sưu tầm, lưu giữ của những cá nhân tâm huyết với nền võ thuật nước nhà. Một số quy định quá chặt chẽ, không phù hợp thực tế khi đưa võ thuật cổ truyền vào giảng dạy ở trường học đã làm thui chột, mất đi ưu thế chiến đấu của một số môn phái võ cổ truyền nước ta, khiến nhiều võ sư, huấn luyện viên và võ sĩ giỏi đành phải chuyển ngang sang dạy và tập luyện các môn phái khác ở các trường học...
Để võ cổ truyền Việt Nam được quảng bá và phát huy đầy đủ giá trị ở trong nước và ngoài nước, trước hết phải tạo dựng được ý thức tự tôn và tự hào về nền võ học Việt Nam từ các cấp quản lý đến các võ sư và võ sinh. Trước mắt, các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu thể thao nên nhanh chóng phối hợp Liên đoàn Thế giới võ cổ truyền Việt Nam cùng các môn phái, võ đường để tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và tổng hợp một cách có hệ thống lịch sử hình thành và phát triển của nền võ thuật cổ truyền Việt Nam. Do võ cổ truyền nước ta quá phong phú về môn phái với những bài tập, thế võ khác nhau, cho nên trên cơ sở tổng hợp, sẽ lựa chọn những bài võ cổ truyền tiêu biểu để đưa vào trường học, phù hợp lứa tuổi và mang tính căn bản. Đây là cơ sở võ lý ban đầu cho những người mới bước vào học, để họ có nền tảng kiến thức và kỹ thuật cơ bản về võ thuật Việt Nam và đặc biệt hiểu được tinh thần và các giá trị giáo dục của võ thuật dân tộc. Từ đó hướng người học đi vào những môn phái hợp sở thích, đặc điểm hình thể, vừa để rèn luyện sức khỏe, tính kỷ luật và tinh thần dũng cảm, quyết đoán, mạnh mẽ.
Trong định hướng hoạt động và mục tiêu của Liên đoàn Thế giới Võ Cổ truyền Việt Nam, đến năm 2030 sẽ phấn đấu phổ cập, đưa võ cổ truyền vào các trường học và phát triển đến khoảng 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và thành lập các liên đoàn châu lục. Mục tiêu này có thành hiện thực hay không, trước hết phải có được sự đồng thuận, cố kết, cùng chung tay, góp sức vì lợi ích chung của nền võ thuật cổ truyền nước nhà, có như vậy sức lan toả, ảnh hưởng của võ cổ truyền Việt Nam mới ngày càng mở rộng. Trên nền tảng của số lượng người theo học, sức ảnh hưởng ở các nước và ở từng giải đấu khu vực, sau đó mới tính đến chuyện đưa võ cổ truyền nước ta thâm nhập vào những giải thể thao chính thức của khu vực, châu lục và thế giới.
TIẾN CƯỜNG

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618